Toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang định hình toàn diện và sâu sắc mọi mặt cuộc sống, khi các lĩnh vực truyền thống đang dịch chuyển liên tục trong một thế giới ngày càng phẳng. Giáo dục là một trong những ngành kinh doanh có tính cạnh tranh cao và đại học thông minh ra đời như một giải pháp thay thế cho các đại học truyền thống. Bằng cách tổng hợp cơ sở lý thuyết, phân tích và kế thừa từ những nghiên cứu trước, nhóm tác giả của Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) đã tiến hành nghiên cứu, phân tích những cơ hội, thách thức của UEH nói riêng và của các trường đại học khác nói chung trong quá trình thông minh hóa. Từ đó, gợi ý một số giải pháp hướng tới việc phát triển Đại học thông minh.
Đại học thông minh – Bước chuyển mình tất yếu của ngành giáo dục trong thời đại 4.0
Trong giai đoạn công nghệ phát triển như “vũ bão” hiện nay, giáo dục chính là một trong những ngành kinh doanh có tính cạnh tranh cao. Để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các trường đại học đã và đang điều chỉnh các chiến lược hoạt động của mình để tồn tại. Đại học thông minh (ĐHTM) ra đời như một giải pháp thay thế cho các đại học truyền thống. Với ĐHTM, công nghệ trở thành công cụ quan trọng cho học tập, nghiên cứu, phục vụ học tập và các nhiệm vụ liên quan khác, đồng thời, việc tích lũy và trải qua quá trình tái cấu trúc để trở thành ĐHTM được xem là quá trình tất yếu mà các đại học sẽ phải trải qua trong tương lai.
Thư viện thông minh tại UEH (Smart Library)
Tại các trường đại học ở Việt Nam hiện nay, việc ứng công nghệ thông tin nói riêng và các công nghệ 4.0 vẫn còn nhiều hạn chế, chưa có tính đồng bộ. Do đó, việc thực hiện chuyển từ đại học truyền thống sang đại học thông minh vẫn mới chỉ ở giai đoạn đầu. Việc xây dựng và phát triển một chiến lược để phục vụ quá trình thúc đẩy sự thay đổi hướng đến ĐHTM là một vấn đề cấp thiết nhưng vẫn còn bỏ ngỏ, mặc dù những vấn đề này đang nhận được nhiều sự quan tâm từ cộng đồng học thuật tại nhiều nước trên thế giới.
Tiếp cận Đại học Thông minh thông qua chuyển đổi số toàn diện
Theo đại diện nhóm tác giả UEH nghiên cứu về Đại học thông minh, TS. Bùi Quang Hùng – Phó Hiệu trưởng UEH chia sẻ: “Khái niệm về đại học thông minh thật ra có nhiều cách tiếp cận. Ở góc độ nhà trường đang làm và đang nghiên cứu, khái niệm đại học thông minh được khái quát là một cơ sở giáo dục đại học định hướng có chuyển đổi số và sử dụng những hạ tầng kỹ thuật số, nguồn nhân lực số, dữ liệu số, công nghệ số để cung cấp các dịch vụ học tập được cá nhân hoá cho người học thuộc mọi thế hệ, đáp ứng yêu cầu học tập suốt đời và phát triển bền vững. Đây là một ý rất quan trọng trong mục đích làm đại học thông minh.
Hay nói đơn giản hơn là “sự thông minh – smart” là các giải pháp đổi mới sáng tạo để giải quyết các vấn đề và thách thức mà trường đại học đặt ra trong quá trình hoạt động của mình, vì sự phát triển bền vững của trường đại học đó. Có một lưu ý là ở đại học thông minh, công nghệ là công cụ để giúp giải quyết các vấn đề chứ không phải ứng dụng công nghệ đã là thông minh. Các giải pháp có tính đổi mới sáng tạo giải quyết các thách thức của trường đại học thì mới gọi là thông minh.”
Hệ thống QR code tích hợp đặt phòng, mượn sách tại UEH Smart Library
Bên cạnh các thành phần giống như đại học truyền thống, ĐHTM có những bộ phận cấu thành đặc thù chính. Nhóm tác giả Nguyễn Hữu Đức và cộng sự (2020) khi nghiên cứu về việc triển khai ĐHTM tại Việt Nam đã đề xuất mô hình các yếu tố cơ bản của ĐHTM (mô hình V-SMARTH) gồm:
- Tài nguyên Số: là yếu tố cơ bản của đại học thông minh và dạy – học trực tuyến. Tài nguyên số đề cập đến việc sử dụng giáo trình số (digital textbook) với nhiều tính năng vượt trội hơn so với giáo trình truyền thống và giáo trình điện tử (e-textbook) như có thể trực tiếp theo dõi, quản lý quá trình và kết quả học tập, đánh giá và kiểm tra; cho phép kết nối với nguồn học liệu bên ngoài. Đặc biệt, người dạy và người học đều có thể phát triển tài nguyên số này.
- Nội dung giáo dục Mở: là đặc điểm quan trọng để thực hiện sứ mệnh của đại học thông minh về đào tạo linh hoạt và cá nhân hóa. Nội dung giáo dục mở bao gồm: Học liệu mở; thông tin mở, bài giảng trực tuyến MOOC, chương trình đào tạo mở và nội dung di động… Ngoài ra, tài nguyên số còn đề cập đến việc kết nối với các tài nguyên giữa những trường đại học khác với nhau và văn hóa chia sẻ như là một tiêu chí để đánh giá chất lượng và hiệu quả của tài nguyên số.
- Môi trường giáo dục Ảo:là môi trường cho phép kết hợp các hoạt động giảng dạy và đánh giá trên nền tảng trực tuyến với nhiều mô hình lớp học khác nhau (lớp học chung, lớp học đặc biệt, lớp học tích hợp và lớp học trải nghiệm sáng tạo) với nhiều phương pháp khác nhau dạy – học khác nhau (dạy-học dựa trên vấn đề, dạy-học theo dự án, thảo luận, tích hợp liên ngành, dạy – học qua trải nghiệm) và nhiều tiện ích khác như phòng thí nghiệm ảo, thư viện ảo và các thiết bị học tập ảo. Ngoài ra, môi trường giáo dục ảo còn cung cấp việc giám sát, kiểm tra đánh giá trực tuyến giúp đánh giá người học linh hoạt và toàn diện hơn.
- Nhu cầu học tập Riêng:củng cố tính linh hoạt của hệ thống giáo dục và xây dựng chương trình học tùy biến gắn với sở thích cá nhân và nghề nghiệp định hướng trong tương lai. Việc dạy và học có thể theo lộ trình cố định với nhiều hình thức (trực tuyến hoặc trực tiếp) hay một chương trình theo định hướng của mỗi cá nhân tùy sở thích, nhu cầu, năng lực.
- Môi trường giáo dục có Tương tác:đề cập đến việc học tập giảng dạy thông qua nền tảng web có sự tương tác. Tương tác này bao gồm tương tác giữa người học và người dạy, tương tác người học với nhau và tương tác giữa người học và tài nguyên số. Việc học tập như vậy có thể diễn ra mọi nơi với đầy đủ nội dung. Sự tương tác này thúc đẩy sự chia sẻ và văn hóa chia sẻ nhưng cũng mang lại mặt trái liên quan đến vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ, đạo đức và liêm chính học thuật.
- Hạ tầng số: đề cập đến việc đảm bảo các hạ tầng pháp lý số, hạ tầng nhân lực số, hạ tầng dữ liệu số, hạ tầng công nghệ kỹ thuật số cho việc phát triển ĐHTM
Mô hình đại học thông minh V-SMARTH: Nội dung giáo dục SMART trên nền tảng hạ tầng H. (Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp)
Để đánh giá mức độ thông minh của một ĐHTM, nhóm tác giả Nguyễn Hữu Đức và cộng sự (2020) cũng đề xuất các mức độ thông minh của đại học thông minh bao gồm 5 cấp độ: Connection – thu nhận và kết nối thông tin, Conversion – chuyển đổi thông tin và số hóa, Cyber – phân tích và chẩn đoán, Cognition – nhận diện và dự báo, Configuration – tối ưu hóa.
- Cấp độ 1 – Thu nhận và kết nối thông tin (Connection): Các hệ thống trong trường có khả năng thu thập thông tin và kết nối các bên liên quan trong các vấn đề liên quan đến học tập như môi trường học tập, phương pháp giảng dạy, đối tượng học tập, phong cách giảng dạy của giảng viên, các hệ thống này có thể tùy chỉnh để thích ứng với những thiết bị khác nhau như máy tính, máy tính bảng, điện thoại hay hệ điều hành khác nhau như iOS và Android. Ngoài ra, các hệ thống có thu nhận và quản lý thông tin thông tin về tất cả đối tượng, sự kiện, quá trình trong khuôn viên trường. Ví dụ: các cảm biến được sử dụng để ghi nhận dữ liệu về môi trường xung quanh như sử dụng điện, đèn, nhiệt độ, độ ẩm…Đầu đọc thẻ thông minh để mở cửa vào giảng đường, phòng máy tính, lớp học và kích hoạt các tính năng/phần mềm/phần cứng. Hệ thống nhận dạng khuôn mặt, giọng nói, cử chỉ và các thiết bị tương ứng để truy xuất và xử lý dữ liệu như điểm danh, các hoạt động trong lớp…
- Cấp độ 2 – Khả năng chuyển đổi thông tin và số hóa (Conversion): Từ những thông tin được thu thập và quản lý ở cấp độ 1, các hệ thống trong cấp độ 2 có khả năng kết nối chúng lại với nhau và đưa ra những kết quả thống kê. Ví dụ: mức độ chuyên cần của sinh viên, kết quả học tập của sinh viên, số giờ giảng của giảng viên, đánh giá của sinh viên về giảng viên, mức độ đăng ký của sinh viên theo từng giảng viên, tình hình sử dụng phòng học, phòng thí nghiệm…
- Cấp độ 3 – Phân tích và chẩn đoán (Cyber): Từ những kết quả phân tích ở cấp độ 2, các hệ thống trong cấp độ 3 này có khả năng phân tích, đưa ra những chẩn đoán và học hỏi từ những kết quả đó để hoàn thiện hệ thống. Ví dụ: sau khi thu thập dữ liệu về kết quả học tập của sinh viên, hệ thống có khả năng phân tích lý do những sinh viên không đạt kết quả tốt như học quá nhiều môn trong học kỳ, vắng quá nhiều buổi học hay từ việc thu thập thông tin những lớp có quá ít sinh viên đăng ký, hệ thống có thể phân tích được các lý do như chất lượng giảng viên, thời gian không phù hợp với sinh viên…
- Cấp độ 4 – Nhận diện và dự báo (Cognition):Sau khi có được kết quả phân tích từ cấp độ 3, hệ thống ở cấp độ 4 sẽ dùng những kết quả này để dự báo những kết quả có thể xảy ra ra và đưa ra giải pháp. Ví dụ: hệ thống trong cấp độ 4 có khả năng dự báo kết quả học tập của sinh viên, dự báo chất lượng giảng dạy của giảng viên (mức độ tham gia của sinh viên, mức độ hiểu bài của sinh viên), hệ thống quản lý tuyển sinh để dự đoán, và kiểm soát các thay đổi về số lượng sinh viên hàng năm, dự báo những tài nguyên nào mà sinh viên dành nhiều thời gian nhất và yêu cầu người hướng dẫn cung cấp thêm các tài nguyên có tính chất tương tự hay hệ thống an toàn khuôn viên (Campus-wide Safety System) để dự đoán, nhận biết và hành động phù hợp và không phù hợp trong khuôn viên trường.
- Cấp độ 5 – Tối ưu hóa (Configuration):ĐHTM có khả năng tự thay đổi cấu trúc nội bộ, tối ưu hóa và tự duy trì một cách có chủ đích. Ví dụ: hệ thống tự động xác định hệ thống, thông số, cảm biến, và các tính năng trong một lớp học thông minh phù hợp với môn học, đặc điểm của lớp học, người giảng dạy như các cảm biến xác định xem học sinh có đang ở trong lớp học hay không, đèn có sáng không… và điều chỉnh lại cho phù hợp, hệ thống tự động xác định lại hệ thống, phần cứng, phần mềm và các tính năng trong một lớp học thông minh phù hợp với từng giảng viên, những hệ thống tự phục hồi khi xảy ra sự cố như máy chủ tự động khóa và phục hồi lại khi có virus xâm nhập…
Cấu trúc 5C của các hệ thống CPS và các mức độ thông minh của đại học thông minh. Tổng hợp và phát triển từ (Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp)
Chuyển đổi số toàn diện, hướng tới Đại học thông minh: Trường hợp Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh và giải pháp cho các đại học tại Việt Nam
Đánh giá hiện trạng triển khai các thành phần ĐHTM hiện có tại Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh – UEH theo mô hình V-SMARTH (Nguyễn Hữu Đức và cộng sự, 2020), UEH được xếp vào nhóm các trường đại học sẵn sàng thông minh trong quá trình chuyển đổi từ đại học truyền thống sang ĐHTM thông qua một lượng lớn tỷ lệ giảng viên, cán bộ quản lý tham gia vào quá trình chuyển đổi số, một phần các hoạt động đã được tiêu chuẩn hóa, một số ít đã được định lượng hóa. Kinh nghiệm và thực tiễn triển khai của UEH đã được TS. Bùi Quang Hùng – Phó hiệu trưởng UEH chia sẻ chi tiết.
- Bùi Quang Hùng – Phó Hiệu trưởng UEH
* Thưa TS. Bùi Quang Hùng, ông có thể cho biết thực trạng triển khai đại học thông minh tại Trường Đại học Kinh tế TPHCM trong thời gian qua như thế nào?
- Bùi Quang Hùng:Có thể nói việc chuyển đổi số tại Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh được triển khai từ rất sớm, cách đây hơn 10 năm. Đến giờ, Trường có khoảng hơn 60 ứng dụng trong tất cả các hoạt động từ giảng dạy, nghiên cứu và quản trị của nhà trường cũng như những chiến dịch chuyển đổi số phục vụ cho cộng đồng.
Ưu tiên trong giai đoạn 5 năm tới, Trường cũng hướng theo các thành phần của đại học thông minh. Đó là phát triển nền tảng công nghệ số theo hướng bền vững; Thứ hai là phát triển truyền thông kỹ thuật số; Thứ ba là tăng cường trải nghiệm môi trường học tập tại Trường; Thứ tư là nâng cấp hỗ trợ kỹ thuật số trong quản lý, dạy và học; Thứ năm là thúc đẩy quản lý nghiên cứu khoa học theo hướng ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số và AI; Cuối cùng là phát triển các mối quan hệ cộng đồng. Đơn cử, vừa rồi nhà trường đã có hoạt động hỗ trợ các trường trung học phổ thông thực hiện chuyển đổi số trong dạy và học trong bối cảnh Covid-19.
Dự án cộng đồng hỗ trợ chuyển đổi số miễn phí cho các trường THPT
Hệ thống Way Finding tại các cơ sở UEH (Hệ thống chỉ dẫn thông minh đến các Giảng đường, Phòng, Ban chức năng và các tuyến xe bus gần nhất)
* Có thể thấy, đại học thông minh chính là đích đến cho việc phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo giáo dục bậc cao trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Từ những kinh nghiệm đúc kết triển khai tại đơn vị mình, theo ông đề xuất những giải pháp gì hướng đến đại học thông minh tại Việt Nam.
- Bùi Quang Hùng:
“Theo quan điểm cá nhân, tôi có một số giải pháp.
Thứ nhất, ở góc độ cơ quan quản lý, mình nói rất nhiều về đại học thông minh, những bộ chỉ số hay khuôn mẫu cho một đại học thông minh như thế nào thì chưa có, chưa hoàn chỉnh. Bởi vì đây là cơ sở quan trọng để nhà nước có những mức độ đầu tư nhất định cho các trường đại học, đặc biệt là các đại học công lập đang thực hiện chuyển đổi số.
Thứ hai, như chúng ta đã biết, trong chuyển đổi số thì có ứng dụng công nghệ. Kinh phí cho việc này là công việc đầu tư chứ không phải là việc chi hàng năm. Do đó nó cần kinh phí rất lớn. Việc này sẽ cần có phần đầu tư của nhà nước, cơ chế xã hội hóa trong việc chuyển đổi số ở trường đại học.
Thứ ba, theo tôi rất quan trọng, đó là vai trò của nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo, các nhà quản lý trong việc thực hiện chuyển đổi số. Nhất là vai trò của người lãnh đạo cấp cao trong việc truyền cảm hứng, chia sẻ tầm nhìn, sự dẫn dắt cũng như hỗ trợ các thành viên nhà trường trong thực hiện chuyển đổi số. Bởi, như đã nói ở trên, việc chuyển đổi số trong trường đại học thì vấn đề công nghệ không quan trọng, yếu tố “mềm” hơn là vấn đề con người mới là quan trọng, quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi số.
Thứ tư, cần phải có chiến lược và kế hoạch chuyển đổi số. Cần nhấn mạnh là mình phải có sự tiếp cận đúng ngay từ đầu để không lãng phí thời gian trong quá trình tiếp cận, trong đầu tư về kinh phí. Quan điểm của mình là cái gì đơn giản làm trước, cái gì phức tạp làm sau, bởi vì quá trình chuyển đổi số cần có thời gian, rất cần sự đồng thuận tăng dần của đội ngũ trong trường đại học.
Thứ năm, cần có công tác truyền thông nội bộ cũng rất quan trọng, vì nó quyết định nhận thức, sự chủ động sự đồng lòng của toàn bộ đội ngũ nhân sự chấp nhận, đồng thuận sẵn sàng với sự thay đổi liên quan đến chuyển đổi số.
Thứ sáu, cùng với quá trình chuyển đổi số, nhà trường phải xây dựng, áp dụng một mô hình quản trị đại học hiện đại.
Cuối cùng, liên quan đến chuyển đổi số là liên quan đến tính bảo mật những rủi ro, liên quan đến quá trình ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo an toàn thông tin. Đây cũng là vấn đề mà các trường đại học khi chuyển đổi số cũng cần lưu ý.”
Như vậy, việc tích lũy và trải qua quá trình tái cấu trúc để trở thành ĐHTM được xem là quá trình tất yếu mà các đại học sẽ phải trải qua trong tương lai. Hiện nay, đang có nhiều cơ hội phát triển ĐHTM tại Việt Nam như quan điểm chỉ đạo kịp thời và đúng đắn của Nhà nước đối với việc chuyển đổi số cơ sở giáo dục đại học, nguồn lực con người tại các cơ sở giáo dục đại học hay những điểm mạnh về ứng dụng công nghệ ở Việt Nam. Tuy nhiên, đi kèm với đó là những thách thức không nhỏ trong công tác lãnh đạo, xây dựng chiến lược, sự đồng thuận chấp nhận thay đổi của đội ngũ nhân viên, vấn đề an toàn thông tin và đặc biệt là những vấn đề liên quan đến kinh phí để chuyển đổi.
Xem đầy đủ bài nghiên cứu “Hướng đến đại học thông minh thông qua chuyển đổi số toàn diện: Trường hợp Đại học Kinh tế TP.HCM” tại đây.
Nhóm tác giả: GS.TS. Nguyễn Đông Phong; TS. Bùi Quang Hùng; TS. Phan Thị Bảo Quyên; ThS. Phan Tấn Lực; TS. Lê Nhật Hạnh (UEH)
Đây là bài viết nằm trong Chuỗi bài lan tỏa nghiên cứu và kiến thức ứng dụng từ UEH, trân trọng kính mời Quý độc giả đón xem Bản tin kiến thức KINH TẾ SỐ #13 “Chỉ Số Giá Tiêu Dùng Từ Góc Nhìn Khai Thác Dữ Liệu Lớn (Big Data)”
Nguồn: UEH
- Cuộc thi ảnh “Reflecting on UEH 45 years”: Lắng đọng những khoảnh khắc ý nghĩa trên hành trình 45 năm
- Thông báo danh sách sinh viên được xét duyệt miễn, giảm học phí đợt 2, học kỳ cuối năm 2024
- Thông báo về việc thu nội trú phí Ký túc xá Quý III/2024 (Tháng 7, 8, 9 năm 2024)
- UEH tích hợp thẻ thông minh Unipass trên ứng dụng điện thoại UEH Student
- GIẢI BÓNG ĐÁ GIAO LƯU CÁC KÝ TÚC XÁ MỪNG XUÂN 2024 UEH-DORMITORY OPEN CUP 2024